Bà ơi bà!

Nó lừ lừ từ phòng trong bước ra, buông thõng 1 câu:
“Bà nghỉ rồi…”


Ngày bé nó sống trong khu tập thể nhà cấp 4, nhà nó cách nhà ông bà chỉ độ chục mét. Từ lúc nó bắt đầu biết nhớ mọi việc, nó đã thấy bà. Bố mẹ nó bận đi lo toan, kiếm tiền vì tương lai của nó (và của em trai nó sau này), nên nó chủ yếu ở với ông bà. Nó ăn với bà, ngủ với bà, được bà dắt theo đi chợ. Nó vẫn nhớ bà dạy nó đọc chữ, thằng bé lít nhít hơn 3 tuổi ngồi xoạc chân hết cỡ mà vẫn ngồi gọn trong tờ báo Quân đội nhân dân trải ra sàn nhà, chống 2 tay xuống và đọc to cho bà vừa ngồi đan vừa nghe. Giờ nhớ lại có khi cái bài báo đấy bà chả đọc mấy lần rồi, nhưng bà thích nghe nó đọc, và nó cũng thích “bà ơi con đọc báo cho bà nghe nhé”. Bà còn đưa cho nó đọc mấy quyển truyện từ “kinh điển” như “Dế mèn phiêu lưu ký” cho đến quyển ít người biết như “Chuyến đi của mày mạy”. Nó còn mò mẫm lôi được cả mấy quyển ca dao, truyện cổ tích, rồi cả thơ Tố Hữu nữa chứ.
Hồi đó có lần k biết nó ăn phải cái gì, bị mất nước, suýt chết, qua đợt đấy nó gầy gò, liêu xiêu. Nó vẫn nhớ sau đó mấy hôm, mẹ nó đưa nó ra vườn nhà ông bà, nó phải mon men bám vào cái rào chắn gà để ra gần chỗ ông, lúc đó ông đang xây (tự tay xây) cái nhà nhỏ nhỏ ở đó. Có lần bà kể lại, bà bế nó từ tay bố mẹ, nó gầy 1 nhúm như nắm xương không, bà thương lắm. Sau nó thích ăn gì là bà cho nó ăn, bà tìm mọi cách để nó ăn tốt hơn. Nó k chịu ăn cơm thịt bố mẹ nấu cho, bà cho nó ăn cơm với đường, rồi thì hoa quả trong vườn như hồng xiêm, khế, roi, mít... rồi bà nấu cho nó ăn bổ sung món khác sau. Bà hay dắt nó đi chợ cùng, thi thoảng lại cho nó ăn cái này cái nọ. Nó vẫn nhớ bà Thái đen bán tào phớ ngồi ở ngay cửa lò bánh mì, đi qua nó lại chào bà ý rất to, vì bà nó hay cho nó ăn ở đấy. Bà cũng hay dẫn nó ra hiệu thuốc bắc của 1 ông bạn của ông bà, dì nó cũng làm ở đó. Mọi người hay cho nó nhặt ăn mấy vị thuốc ở đấy.
Hồi nó 4 tuổi, 1 hôm tự nhiên thấy bà bảo đi tắm gội thay quần áo đi, rồi bà cho cái này, nó chả biết gì cứ làm theo. Lúc tắm xong đi ra, nó reo lên sung sướng vì lần đầu tiên nó có được 1 món đồ chơi. Bà mua cho nó cái ô tô bằng nhựa màu hơi đỏ đỏ, bánh xe màu đen, cửa lại còn mở ra đóng vào được, bên trong có cả vô-lăng hẳn hoi. Ôi nó thích quá! Nó chạy ra ngoài sân chơi luôn, đủn xe chạy vòng vòng rồi còn khoe với các bạn cùng xóm. Nhưng rồi có bạn chẳng may làm gãy mất cái cánh cửa ô tô, nó k lắp lại được. Lúc đấy nó tức lắm, k cho các bạn chơi nữa, nó cầm đồ chơi chạy về vừa khóc vừa mách bà. Nó bảo với bà là các bạn làm hỏng đồ chơi (đầu tiên + duy nhất) của nó, từ giờ nó k cho các bạn mượn cái gì nữa, k chơi cùng cái gì nữa. Lúc đấy bà ôm nó vào lòng, dỗ dành nó rồi bảo là đừng như thế, các bạn chỉ nhỡ tay làm hỏng thôi chứ k cố ý đâu. Sau có gì thì cứ chia sẻ cho người khác, như thế sẽ vui hơn, như thế mới tốt. Nhớ lời bà, từ đấy nó có gì, hay nghĩ ra trò gì đều rủ các bạn cùng chơi.
Nó, và sau này là em nó, đều được bà chăm như vậy. Ăn với bà, tối cũng vào ngủ với bà. Có hôm 2 thằng cùng nằm ôm bà ngủ. Ông với bà khác nhau, ông thì k chịu được lạnh, nhưng nó chắc giống bà, lúc nào cũng nóng nên ông ngủ nhà ngoài, nó nằm với bà ở nhà trong. Bà giao cho nó nhiệm vụ chỉnh quạt, nó ngắm thật chuẩn cái quạt bàn đứng vào đúng giữa 2 bà cháu rồi mới chui vào màn đi ngủ. Có những hôm mất điện, nó tỉnh dậy giữa đêm thấy bà đang cầm quạt mo (ông tự chế) để quạt cho nó ngủ. Để rồi sau khi nó lớn hơn, có nh hôm nó cũng đòi nằm quạt để bà dễ ngủ. Chúng nó ngủ với bà đến tận khi lớn tướng, to quá k nằm vừa cái giường nữa thì mới chịu thôi. Lúc đó nhà nó cũng xây lại, phòng rộng rãi hơn trước. Lắm hôm buổi trưa 2 thằng vẫn mò lên nằm với bà, bà bảo lâu lắm rồi 2 thằng k ngủ với bà ý nhỉ. Nói thế chứ thấy 2 thằng lớn, dài ngoằng chắc bà cũng mừng.
Hồi 4 tuổi gì đó, bà hay trêu nó “bụng ỏng đít beo, đầu gối củ lạc”. Nó bảo bà là bụng bà cũng tròn này. Thế là nhảy lên lòng bà rồi hích bụng với bà. Thế là bà cũng trêu lại, vừa trêu vừa đọc bài thơ:
“Mẹ em ra bãi hái dâu,
Bà em mắt kém ngồi khâu ở nhà.
Nên em chẳng chạy chơi xa,
Để còn thỉnh thoảng giúp bà xâu kim.”
Cuối mỗi câu bà lại hích bụng nó 1 cái, nó thích chí cười khanh khách. Trẻ con có những cái vui đơn giản thật. Bà rất hay tranh thủ dạy nó những thứ mà bà thấy sẽ có ích cho nó sau này. Bà dạy nó nên biết nhường nhịn, bảo vệ kẻ yếu (mặc dù lúc đấy nó như con mèo hen). Bà gọi nó là “con hổ con”, rồi hỏi “con hổ con chịu khó ăn, lớn lên khoẻ mạnh thì sẽ làm gì?”. Nó “dũng mãnh” tuyên bố, và hứa với bà là nó sẽ bảo vệ bà, k cho ai bắt nạt bà hết cả. Và nó giữ lời hứa từ đó cho đến khi bà bị ốm...
Mọi người trong nhà cũng tìm cách này cách kia để chữa cho bà, nó cũng lẳng lặng tìm hiểu, đêm hôm đọc hết sách này sách nọ, những thứ mà bình thường nó chẳng bao giờ động đến. Nhưng cái nó tìm được lại là 1 căn bệnh chưa thể chữa được. Nó thấy day dứt, bất lực khi k thể thực hiện được lời hứa từ nhỏ của mình nữa. Nhiều đêm nó cứ ngồi ở ngoài phòng bà, trông để nếu cần gì thì nó chạy vào với bà luôn. Cái cảm giác nhìn bà nó ngày một yếu đi, quên dần nhiều thứ, lẫn lộn giữa quá khứ và thực tại càng ngày càng nhiều. Ngồi nghĩ lại nó thấy hoá ra bà nhầm hầu hết mọi người trong nhà, nhưng riêng 2 anh em nó thì bà gần như k lẫn lần nào. Bà đối với nó như thế nào thì đối với em nó cũng tương tự như vậy. Một hôm nó đang ngủ, 6h sáng thấy mẹ nó gọi thất thanh: “Con ơi dậy đưa bà vào viện đi”. Nó bật luôn dậy rồi phi xuống, cùng với mấy người của bệnh viện khiêng bà lên xe đưa vào cấp cứu. Lòng ai cũng như lửa đốt.
Những ngày bà nằm viện, nó vào thăm bà thì bà đều ngủ cả. Những lúc khác nó k vào mà để em nó vào, vì em nó dù sao cũng có kinh nghiệm làm bác sĩ khoa hồi sức ở bệnh viện lớn, nó bảo “em vào có tác dụng hơn”. Kết quả là từ đó đến giờ, nó chẳng nói chuyện với bà thêm được lần nào, vì lúc bà tỉnh thì nó lại k ở đó.
Rồi cái ngày ấy đến cũng phải đến. Đang ngồi ở chỗ làm, thấy điện thoại rung, số của bố nó. Trước khi nhấc máy, nó đã gập ngay máy tính lại để cất đi, tim như kiểu ngừng đập mấy giây rồi bắt đầu đập loạn xạ, nó nghe máy:
-       Alo, bố ạ
-       Ừ, con về đi. Mẹ chuẩn bị đưa bà về nhà ở xóm cũ.
-       Vâng, con về luôn đây.
Nó vội vàng cất đồ đạc, rồi cuống cuồng đạp xe về nhà, lấy xe máy phi về xóm cũ. Bà chưa ở đó, nhưng ông đang ngồi chờ rồi. Một lát sau, em nó cũng phóng xe từ viện về đến nơi. Xe đến, nó lại chạy ra đưa bà vào giường nằm. Cái giường mà ngày bé 2 anh em nó vẫn nằm với bà ở đó. Bác sĩ rời đi, mọi người khóc lóc 1 lúc rồi ra phòng ngoài ngồi. Còn 2 anh em nó ngồi im lặng ở trong với bà. Em nó ngồi cạnh, còn nó trèo lên giường nằm cạnh bà, như hồi còn bé.
Em nó ngồi ngoài bắt mạch, nó thì thi thoảng lại vuốt trán, xoa xoa tóc bà. Loanh quanh 1 lúc thì nó ra ngoài lấy cặp của em nó vào, lấy ống nghe ra nghe. Cả 2 thằng thay nhau sờ mạch, sờ ức, đeo ống nghe gần nửa tiếng đồng hồ sau, nó nhìn em nó:
-       7h10 nhỉ?
-       Uh.
Nó chần chừ 1 lúc, lẳng lặng đi ra phòng ngoài. Mọi người đang nói chuyện, ngẩng lên nhìn nó:
-       Sao rồi?
-       Thôi rồi. Bà nghỉ rồi.
Mọi người chạy vào, khóc. Nó thấy ông đứng im, mắt ông đỏ hoe. Nó với ông cũng đi vào. Hôm đó, 2 anh em nó ngồi với bà cả đêm.
Suốt từ lúc đó, nó như người mất hồn, như chẳng còn tí cảm xúc nào, có chăng chỉ còn lại sự tức giận là thể hiện. Thậm chí đến ngày hôm sau, 2 anh em nó cùng mặc đồ cho bà, tự tay làm những thủ tục để đưa bà đi, đến khi bà đến “nhà mới” rồi, mặc kệ mọi người khóc như nào, nó cố nặn cũng k ra đc 1 giọt.
Lúc bà “xuống dưới”, nó đứng ôm ảnh bà, tự nhiên có con bọ rùa cánh đẹp lắm, đậu vào tay nó. Nó hẩy hẩy, thổi khá mạnh mà con bọ k chịu bay đi. Tự nhiên nó nhớ đến chuyện có người bảo, người đã khuất hay nhờ mấy con bọ nhỏ này để về thăm lắm. Lần đầu trong đời nó thực sự muốn tin vào chuyện đó.
Nhiều ngày sau, mặt nó vẫn cứ trơ trơ, thậm chí cười đùa như k có chuyện gì xảy ra. Có hôm tự nhiên trong đầu nó vang lên lời 1 bài hát, mà nó chợt nhận ra lời bài hát sao giống mấy ngày hôm đó thế.
…I'm watching you breathing for the last time.
A song for your heart, but when it is quiet,
I know what it means and I'll carry you home.
I'll carry you home…


Rồi nó cứ thế nghe đi nghe lại bài đó suốt cả ngày làm việc.

Một buổi tối, khuya khuya, nó đi lang thang ngoài đường, bỗng dưng nó dừng xe lại, gần 1 ngôi chùa. Nó oà khóc ngon lành, như những lần nó lao vào lòng bà để được bà dỗ dành. Nhưng giờ thì k có bà ở đấy. Nó cứ thế khóc. Chắc có người đi qua cũng nhìn nó, nhưng nó chẳng cần biết nữa. Nó khóc như thể bao ngày dồn nén, lúc đấy được xả ra. Nó nhớ bà lắm!
Nó nhớ ngày bé bà có bảo:
-       “Sau này bà chết thì nó làm gì?”
-       “Bà k chết đâu, k cho bà chết!” (hình như trẻ con đứa nào cũng thế)
-       “Nhưng ai cũng phải chết. Lúc đấy nó làm gì?”
-       “Thế bà bảo này, khi nào bà chết, lúc nào nhớ bà quá thì thắp hương gọi bà, bà về chơi với nó nhé”
-       “Vâng, bà nhớ nhé”
-       “Ừ, bà hứa”
Lúc nó đứng đó, nước mắt cứ chảy. Nó nghĩ, nó nói với bà là sao nó thắp hương, gọi mãi mà bao nhiêu hôm chẳng mơ thấy bà gì cả. Bà chẳng về chơi với nó. Xong nó lại nghĩ chắc bà bận, rồi bà sẽ về chơi sớm thôi.
Hôm nay, nó về quê thăm bà. Nó chỉ nghĩ thầm để nói với bà thôi. Chẳng ai biết nó nói gì với bà đâu mà. Và lúc này đây, nó thấy mình may mắn vì nó có thể nhớ rõ rất rất nhiều chi tiết những khi còn bé, khi nó còn được vô tư ở bên bà.
Nó có từng bảo với bố mẹ nó rằng: “Bất cứ lúc nào con thích, con cũng có thể nhìn thấy bà được”. Với nó, bà chưa bao giờ đi đâu cả. Với người khác bà như thế nào nó k cần biết, nhưng với nó, hình ảnh bà k bao giờ thay đổi.

Góc nhà, ngày thứ 48.

-Nó-

Comments

  1. METSA opened its doorways in 2007 and by 2008 it turned and has consistently held a Texas-STEM designation by way of the Texas Education Agency. METSA has additionally partnered with the New Tech Network to assist our STEM and expertise initiatives to broaden the academic opportunities for our students and workers. For greater than 30 years, Accucam has been guided by its mission to be recognized as the leading strategic partner to OEMs by providing international provide management options utilizing superior capabilities in engineering and design. With this step forward taken CNC machining with EQI, that mission is now full,” mentioned Jay McNaughton, President of Accucam.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngày xửa ngày xưa

Tạm